Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

// //

Đá cảnh nghệ thuật Suiseki tuyệt tích

Phiên chợ đá cảnh suiseki ở Quảng Nam từng xuất hiện một lần trong thời gian ngắn dưới chân núi Duy Trung rồi “đóng cửa” vĩnh viễn, nhưng đã có một người âm thầm giữ lại cả trăm tấn đá quý và nhiều tác phẩm sưu tầm độc đáo.

20 năm nhặt đá

Một lần tìm mua đá về làm hòn non bộ cho chùa, ngang qua nhà dân ở xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên), người đàn ông ấy vừa thoáng nhìn thấy những cục đá lạ liền có cảm giác “như bị một thứ từ trường hút lấy”. Kể từ đó, anh hay rời nhà đi lang thang vào núi khiến vợ thắc mắc. Chuyện mới đó đã ngót 20 năm, và gã mê đá đến “mụ mẫm” ấy chính là Trần Văn Anh, chủ hiệu vàng Ngọc Minh ở thị trấn Nam Phước. Người đàn ông sinh năm 1969 này vốn được biết đến nhiều hơn trên lĩnh vực kim hoàn, khi anh kỳ công thực hiện bức “Thiên long Việt đồ” với 1.000 con rồng vàng và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) tặng Cúp kỷ lục quốc gia hồi năm 2010.

Trần Văn Anh bên tác phẩm "Hoàng hôn". Ảnh: H.X.H

Trần Văn Anh đặt tên “Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Minh” cho nơi trưng bày tác phẩm Thiên long Việt đồ ở thôn Phú Bông (xã Duy Trinh). Khu đất rộng 1.000m2 này cũng là nơi anh đang cất giữ cả nghìn viên đá đủ kích cỡ, ước lượng cả trăm tấn. Anh không nhớ nổi số lượng bao nhiêu viên, thậm chí có bị mất cắp cũng… không biết, ngoại trừ những tác phẩm đoạt giải bởi chúng đã ăn sâu từng vân đá, chất đá, hốc đá, huyệt đá, dáng đá vào trí nhớ. Mắt anh sáng lên khi nhắc chuyện gạ mua “Hoàng hôn”, một sản phẩm đá Duy Trung chính hiệu từng đoạt huy chương vàng Hội hoa xuân Đà Nẵng hồi năm 1999. Bỏ ra 2 cây vàng SJC, lại phải dấm dúi thêm 2 triệu đồng nữa gọi là khoản “phí năn nỉ”, anh mới thuyết phục được ông Đoàn Ngọc Anh, chủ nhân viên đá.

Tác phẩm "Một thoáng cao nguyên".Ảnh: H.X.H

Từng kẹp đèn pin chui vô một hang động sâu bên trong núi Duy Trung, Trần Văn Anh rùng mình nhớ lại những ngõ ngách chật hẹp, lồng ngực ngột ngạt do thiếu oxy và đã có một người bỏ mạng trong hành trình nhặt đá. Ấy là khoảng những năm cuối thập niên 1990, khi vùng núi Duy Trung rộ tin phát hiện đá quý. Giới chơi đá cảnh vô cùng thích thú khi bắt gặp loại đá khác lạ. Có lẽ vùng núi này khí hậu khắc nghiệt, cộng với hàng triệu năm nước chảy bào mòn đã tạo nên những vân đá tự nhiên sống động. Dòng đá này (đá núi) khác với những loại tìm thấy từ lòng sông suối. Hấp dẫn đến nỗi, buổi sáng, có cả đoàn người cơm đùm cơm nắm kéo nhau vào núi, chiều trở ra kẻ khiêng người gánh lặt lè. Có viên nặng hàng tấn phải nhờ hàng chục người vận chuyển. Khi giới sưu tầm từ TP.Hồ Chí Minh kéo ra, dưới chân núi Duy Trung tự dưng hình thành một “chợ đá” nhộn nhịp. Chừng 1 tháng sau, chợ tan và vựa đá cảnh nơi đây cũng… hết nhẵn.

“Nghìn đô dễ kiếm, viên đá khó tìm”

 Đến giữa tháng 3.2016, bộ sưu tập đá quý của Trần Văn Anh đã bổ sung một số tác phẩm mới, như “Nhân sư” và nhóm tác phẩm đặt tên “Kim mộc thủy hỏa thổ”. Anh vừa mang chúng về từ vùng rừng núi Trà Bui (huyện Bắc Trà My) trong chuyến sưu tầm vào đầu tháng Giêng năm nay…

Trần Văn Anh càng có thêm động lực để “lấy vàng nuôi đá”, khi những viên đá anh đang sở hữu liên tiếp đoạt giải. Ông chủ hiệu kim hoàn 46 tuổi đã đổ không biết bao nhiêu tiền cho đá. Cứ túc tắc mua khi ít khi nhiều, lúc rỗi rãi lại tự đi tìm, anh nhận ra việc kiếm 1.000USD dễ hơn kiếm một viên đá ưng ý. Vậy mà bộ sưu tập của anh giờ đây quá đồ sộ và phong phú… Nhưng không phải tác phẩm nào cũng phải mua với giá cao. “Người chơi đá” Trần Văn Anh dẫn tôi lên gác 2, chỉ viên có hình chiếc lá và khoe chỉ tốn 300 nghìn đồng để “rước” về hồi năm 2006. Anh hào hứng: “Có phải thú vị hơn cả tác phẩm “Hoàng hôn” phải mua 2 cây vàng hay không? Tôi đặt cho nó cái tên “Về cội”. Hãy xem kỹ viên đá, họa sĩ có muốn cũng không dễ pha ra cái màu đó!”. Cơ duyên cũng đưa “Xưa và nay” đến với anh khi tảng đá vùi một nửa dưới đất. Chính thế nằm đó đã vô tình tạo cho tác phẩm 2 sắc thái đối lập, bên trên nhẵn thín - bên dưới sần sùi, gợi cho người xem sự cách biệt về thời gian. Mang vào TP.Hồ Chí Minh đọ sức cùng 3.000 viên khác trên toàn quốc tại hội hoa xuân 2008, “Xưa và nay” giật luôn giải vàng.

Không kể những tác phẩm quen thuộc tại các cuộc triển lãm trong khu vực như “Đường về Tây Trúc”, “Một thoáng cao nguyên”…, Trần Văn Anh còn có nguyên bộ sưu tập động-vật-đá, nào cọp, cua, bò, chuột, tôm, công, chim, gà, mèo, rùa. Thậm chí anh còn tạo dáng cho “song mãng xà vương” hay trái cà, rìu, tù và, đức Chúa Jesus và cả… máy bay trực thăng. Anh bảo mình đang làm công tác bảo tồn đá cảnh, nên giờ có ai muốn trả giá cao hơn cũng không bán. Một đề án “bảo tàng suiseki” đã lập, tiền của cũng chuẩn bị sẵn. “Chừng một, hai nghìn mét vuông thì tôi có thể mua, chứ rộng lớn hơn thì phải thuê. Công chúng sẽ rất thích, bởi dòng suiseki này gần như tuyệt chủng”, anh phác họa. Mê đá cảnh, anh tự biên soạn cuốn Người xứ Quảng học chơi đá cảnh để chia sẻ thú chơi tốn kém và kỳ công này. Sách do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với tạp chí Văn hiến tại TP.Đà Nẵng xuất bản hồi năm 2009.

Trần Văn Anh cúi thật thấp cạnh tác phẩm “Hoàng hôn” để nhìn dáng đá tạo hình con chim mỏi cánh về rừng, rồi đọc vanh vách mấy câu ứng tác của ai đó lúc ngang qua tác phẩm “Hoàng hôn” tại hội hoa xuân năm đó: “Xếp cánh cúi đầu còn ngoảnh mặt/ Tiếc thầm dĩ vãng với thời gian/ Vàng son tri kỷ đâu còn nữa/ Để lại cho ta đá một hòn”. Đá một hòn, nhưng nghề chơi thì biết mấy công phu…

HỨA XUYÊN HUỲNH