Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

// //

Đá cảnh nghệ thuật Pleiku

Vài ba năm gần đây ở thành phố Pleiku (Gia Lai) nổi lên phong trào chơi đá cảnh nghệ thuật (đá mỹ nghệ), không chỉ có giá trị kinh tế mà những khối đá đủ màu sắc, hình dạng này đẹp đến mức khiến người ta không khỏi ngẩn ngơ khi tiếp xúc, chiêm ngưỡng…

Trăm viên chọn một

Không như dân chơi đá cảnh ở một số nơi khác, đá cảnh ở Pleiku hầu hết đều được chọn từ những khối đá bán quí (Semi-precious gemtones). Đó là thạch anh, mã não, canxidon, opal và cả sa-phia…Chúng được khai thác từ nhiều vùng trong tỉnh như Phú Thiện, Kon Chiêng, Hbông, và cả từ Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đak Nông về. Theo các “chuyên gia” trong nghề chế tác đá cảnh, đá bán quí ở Gia Lai cũng khá phong phú. Thạch anh có thạch anh tím, trắng, đen, hồng, khói; mã não đủ màu, rồi đá sa-phia v.v…tuy nhiên các viên đá thạch anh tím ở Gia Lai thường nhỏ, ít kết thành tổ như những vùng khác.

Đá mã não. Ảnh: T.P
Ngoại trừ các viên thạch anh dễ nhận biết bằng mắt thường, ngay cả dân khai thác đá lâu năm mà không thạo nghề cũng vã mồ hôi khi đứng trước những khối đá to nhỏ đủ cỡ, dính đầy bùn đất đỏ lòm, đen kịt kia để phân loại đâu là những viên đá bán quí. Anh Hồ Nghĩa, một người chuyên khai thác, mua bán và chế tác đá cảnh ở dưới ngã ba Năm Đạt, huyện Mang Yang tiết lộ: Muốn biết đá có thể dùng được hay không, cơ bản là nhờ quen nhìn thôi, không có sách vở nào chỉ dạy cả. Mình phải quan sát vào gân đá, hoặc đổ nước rửa sạch để xem màu da bên ngoài. Làm lâu rồi thì có kinh nghiệm, biết loại đá nào thường ở đâu, vùng này có nhưng vùng khác lại không có, thậm chí  cùng một địa điểm mà nơi có nơi không?

Ông Sương đang đánh bóng đá. Ảnh: T.P

Để từ viên đá thô trở thành viên đá cảnh là cả một quá trình chế tác bao gồm nhiều công đoạn gia công vừa nặng nhọc lại phải kiên nhẫn, tỉ mỉ từng chi tiết một. Tìm được viên đá vừa ý tức là đã “chấm” được hình khối, đồng thời dự đoán khả năng viên đá có nhiều vân đá đẹp, có bị những vết nứt ẩn sâu bên trong hay không. Sau đó phải lau rửa, chùi sạch và phác thảo những đường nét sẽ gia công, cắt bỏ đoạn nào, mài vào sâu bao nhiêu. Gọi viên cho vui chứ mỗi “viên” đá thô ít nhất cũng nặng vài chục cân, còn phần lớn là nặng bảy - tám mươi cân, thậm chí có viên nặng đến ba bốn trăm cân. Do vậy quá trình mài giũa rất khó nhọc, lại thêm nguy hiểm nữa.

Sau khi kê, đặt viên đá đâu vào đấy, đầu tiên người thợ dùng một mô-tơ điện cầm tay đã lắp đá mài (phít) rạch những đường ngang dọc trên mặt viên đá đúng vào nơi dự kiến sẽ gia công. Sau đó lắp một viên đá mài khác  rồi chà mạnh trên mặt đá. Nhờ có ống nước nhỏ liên tục chảy vào nếu không bụi đá bay mù và sức nóng sẽ làm nhanh hỏng lưỡi đá mài. Chỗ mài mạnh, chỗ phải nương nhẹ, lúc ngồi, lúc quì, có lúc người thợ dừng tay đột ngột, nhỏ thêm nước vào mạch đá kiểm tra vân đá xem có còn không, nếu mài nữa có thể sẽ bể mất, hỏng viên đá.

Đá canxidon xanh. Ảnh: T.P

Đá canxidon tam sơn. Ảnh: T.P
Đá canxidon hình tháp. Ảnh: T.P

Đá canxidon xanh ngọc. Ảnh: T.P

Mài và đánh bóng, chế tác xong một viên đá nặng khoảng ba- bốn chục cân phải mất độ mươi ngày, hao tốn khoảng vài chục Kwh điện; người thợ chế tác đá cảnh phải dùng hết hàng chục viên đá mài, giá mỗi viên trung bình 60-70 ngàn đồng. Và cứ xong hai- ba viên đá cảnh là phải thay một mô-tơ cầm tay, loại rẻ nhất cũng ba bốn trăm ngàn đồng/chiếc. Khó khăn, nặng nhọc là vậy song tiền công mài đá khá cao, trung bình một viên đá nặng khoảng hai- ba mươi cân, tiền công mài, chà bóng trên dưới chục triệu đồng, tất nhiên còn độ tăng giảm phụ thuộc vào loại đá và chất lượng mỹ  thuật của viên đá.

Đá cảnh không phải cứ mài là thành công, ngược lại đã có trường hợp dở khóc, dở cười. Ông Vũ Đình Hường ở thị trấn Phú Thiện kể lại, có lần ông đã phí công sức và cả tiền mua đá. Gần mười năm trong nghề (kể từ lúc ông khai thác và chế biến gỗ hóa thạch), nhìn viên đá mã não thô ông cứ nghĩ mình ăn chắc lần này kiếm bộn tiền. Mà đẹp thật, sau mấy nước đánh bóng đầu, viên mã não lộ màu sắc rất đẹp, xanh có, đỏ có, tía có, đa màu, xen kẽ vào nhau, lại thêm nhiều vân đá đủ hình dạng.  Nào ngờ đi thêm mấy đường mài nữa, bên trong bất chợt lộ ra vết nứt sâu hoắm, rà mấy cũng không hết. Rà mô-tơ mài nữa thì mất toi viên đá, giá trị viên đá bỗng nhiên hạ thấp xuống hàng chục lần. “Ai mà ngờ đường nứt lại nằm sâu dưới mặt đá năm bảy phân?” Lần ấy, ông Hường lỗ gần chục triệu đồng.

Vân đá mã não hình chim bồ câu. Ảnh: T.P

Đá mã não vàng. Ảnh: T.P

Nghề “độc” nên thợ chế tác đá ở Gia Lai không nhiều, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ở huyện Phú Thiện có cơ sở của ông Hường đã nói ở phần trên, thành phố Pleiku có cơ sở Hồng Đức 260 đường Lê Thánh Tôn và  bên cạnh cơ sở này có ông Trần Minh Sương ở nhà số 258 vừa mua bán, vừa chế tác; cơ sở Mỹ Sơn ở đường Cách mạng tháng Tám; huyện Mang Yang có cơ sở của anh Hồ Nghĩa. Cơ sở nào đông thì có đến ba thợ, còn thường chỉ một thợ gia công, thậm chí có cơ sở phải thuê thợ từ Hòn Phụ tử (Kiên Giang) ra làm. Công việc vất vả, độc hại nhưng thu nhập khá cao, lại “ tự hào là mình đã tạo ra được những viên đá đẹp, có giá trị nên vui và lại ham làm ?”- một người thợ tâm sự như vậy.

Đá cảnh đẹp đi đâu?

Ông Sương là người chuyên mua bán, môi giới, chế tác đá cảnh tự nhiên có thâm niên đã trên chục năm. Ông còn làm thêm cả gỗ hóa thạch, phong lan, nhận chăm sóc mai cảnh nữa. Ông cho biết dân chơi đá ở TP. Hồ Chí Minh cứ  non tháng lại ra Pleiku lùng sục.  Gỗ hóa thạch, đá bán quí thô, đá cảnh, cả ruby v.v… họ đều mua tất, giá lại khá cao, thường cao hơn dân Pleiku mua vài ba giá. Chẳng hạn, viên đá mã não trị giá khoảng 15 triệu đồng, họ sẽ mua đến 17-18 triệu đồng, “ song chọn kỹ, đã ưng ý rồi thì mấy họ cũng mua” ông Sương nói thêm: Gần đây xuất hiện các đại gia và cả giới mua bán từ các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội vào lùng sục đá cảnh nữa.

Đá thạch anh hồng. Ảnh: T.P
Đá thạch anh trắng và khói. Ảnh: T.P

Đá thạch anh trắng và khói. Ảnh: T.P
Đá thạch anh tím. Ảnh: T.P
Tại thành phố Pleiku cũng đã có giới chơi đá cảnh, sưu tập đá bán quí từ vài ba năm gần đây. Vì lý do tế nhị nên người viết bài này xin được không kể rõ tên, đó là ông T ở đường Đoàn Thị Điểm, ông T ở hẻm Phan Đình Phùng, ông N ở đường Cách mạng Tháng Tám v.v...Đặc biệt chị Dương Thị Huê ở nhà số 26 A đường Phạm Văn Đồng hiện là một trong số ít người có bộ sưu tập đá cảnh nhiều, lớn và đẹp nhất Pleiku. Chưa kể lượng gỗ hóa thạch chị có nhiều đến hàng  trăm khối, bộ sưu tập đá bán quí của chị có đến hơn hai trăm viên, đủ loại, từ thạch anh các loại đến mã não đủ màu, opal, canxidon, hầu hết đều nặng trên năm mươi cân, trong đó có viên mã não hình lá cao hơn 1 mét, nặng hơn bốn trăm cân lại có vân đá hình chim bồ câu. Viên đá này có người đã trả giá đến 250 triệu đồng nhưng chị không bán. “Mình còn phải tìm mua đá thêm để chơi nữa, sao lại bán nó đi? Mà đá càng để lâu càng quí."

Chị Huê bên viên đá mã não có vân bồ câu. Ảnh: T.P
Bộ sưu tập đá cảnh suiseki của chị Huê đều được đặt trên những chiếc đôn gỗ quí, bày trang trọng, hài hòa trong một gian phòng khách lớn. Ngay cả những chiếc đôn gỗ cũng là một bộ sưu tập bởi chúng đủ hình dạng, trông rất bắt mắt, phù hợp với những khối đá bên trên. Mê đá cảnh như một cái nghiệp, chị Huê kể, hễ nghe ở đâu có đá đẹp là lập tức chị đi ngay, có lúc không đủ tiền đành phải vay “nóng” để mua đá. “Lúc đầu ông xã không ủng hộ lắm, nhưng về sau thấy đá đẹp quá ổng cũng mê như mình!”- Chị cười hạnh phúc.

Đá cảnh mang lại nhiều cảm nhận cho người xem, mỗi người một cách nhìn, có người cảm nhận thế này người cảm nhận thế khác song cái đẹp bao giờ cũng trường cửu. Biết bao khối đá quí từ dưới lòng đất đưa lên nếu không có những bàn tay nghệ nhân thì cái đẹp kia chưa chắc đã làm rung động lòng người. Và hơn thế nữa, nếu không có những nhà sưu tập, những người cảm nhận đầu tiên về cái đẹp của thiên nhiên, dễ chi đá đã đẹp và quí đến nhường này...

Thanh Phong

* Về Yên Bái chiêm ngưỡng sắc màu, linh khí của trời đất với nghề đá cảnh Suối Giàng Yên Bái