Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

// //

Dị nhân 'tẩu hoả nhập ma' vì mê chơi đá ở Nha Trang

Một dạo hàng xóm bảo: “Ông này điên điên”. Vợ ông cũng lắc đầu: “Già rồi mà như... con nít, chơi gì không chơi lại đi chơi đá”.

Ông là Lê Công Quý, 73 tuổi, ngụ tại 11 đường Sơn Thủy, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Ông Quý có thú chơi đá - không phải đá quý mà là đá cảnh, đá nghệ thuật (art stone) - gần 20 năm, nên bạn hữu gọi ông là “Quý Đá”.

Có hai lý do để gọi ông là “dị nhân”, thứ nhất: ông chơi đá là chơi thật, chơi hết mình chứ không phải nửa vời, không chơi “cho có” giữa dòng đời tất bật những toan tính, mưu sinh.

Thứ hai là cách chơi: đá do ông tự đi tìm, mỗi tuần ít nhất ông có 3 ngày một mình, một xe máy, ba lô, ít lương khô, bình nước uống, “cưỡi” xe đi tìm đá. “Nếu không sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu trong người ”- ông bảo vậy.

Ông Lê Công Quý

Ông Quý đi khắp nơi để tìm đá, nhưng nơi ông đi nhiều là huyện miền núi Khánh Vĩnh, cách Nha Trang 40km. Nơi có nhiều nhánh sông, suối, ghềnh thác và đá đẹp, đẹp nhất, theo ông Quý.

Hết tìm đá trên bờ rồi lặn ngụp giữa dòng thác đổ, nước cuốn, phải là người giỏi bơi lặn mới trụ được, mò mẫm moi tìm từng viên, từng lớp đá dưới đáy sâu. Khi mệt ông lên bờ nghỉ dưới bóng cây, hít thở không khí trong lành, ngước nhìn trời xanh mây trắng.

Đá tìm về ông chất đầy sân, trong nhà, dưới gầm bộ ván, cầu thang... Một dạo hàng xóm bảo: “Ông này điên điên”. Chị Phúc, vợ ông cũng lắc đầu: “Già rồi mà như... con nít, chơi gì không chơi lại đi chơi đá”.






"Chứ chơi gì bây giờ?", ông Quý nói với vợ: "Những gì hay, đẹp, quý người ta đã chơi hết rồi, nếu có bắt chước cũng chưa chắc bằng họ, hơn nữa mình phải chơi khác người". Nói vậy thôi, bạn bè vẫn hiểu rằng, phía sau mỗi viên đá ông tìm đều có công lao người vợ đảm.

Đá mang về, ông đem ngâm nước, ngâm xà phòng nhiều ngày, chà đi rửa lại cho hết tạp chất, trang trọng để lên kệ, trên bàn. Viên nào đắc ý ông thuê thợ làm đế gỗ. Đêm khuya, tỉnh giấc hết ngắm viên nọ lại xoa viên kia, lẩm bẩm như nói chuyện với đá, khiến chị vợ lo lắng: “Chắc anh này bị tẩu hỏa nhập... đá”.

Với người chơi đá, đá vốn vô ngôn nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ, thể hiện linh khí của đất trời, tạo hóa, vì vậy, nó có sức quyến rũ kỳ lạ với nhiều người. Dù vô ngôn nhưng đá cũng lại rất hữu tình, cái tình tùy vào khả năng cảm nhận của từng người. Người ngộ được thì nhìn đá không là vật vô ngôn và "thấy" đá cũng có khi mềm mại.

Cái đẹp của đá cảnh nghệ thuật cũng là sự vô cùng, so sánh bất tuyệt, chỉ tại người đời hay ham muốn so đo, ảo tưởng đặt tên cho trầm tích quá vãng, tự hỏi lòng trái đất ngày xưa tên gì. Còn với ông thì tùy tâm mà hành, không cần nói nhiều, cảm tri mà thưởng ngoạn đá, cũng như tùy duyên tương ngộ.





 Dưới gầm bộ ván


Đá mang hình ruộng bậc thang
Cây gỗ hóa thạch hàng trăm triệu năm

"Hữu xạ tự nhiên hương” ngày càng nhiều người gần xa, người ở ngoại quốc về cũng tìm đến nhà ông Quý. Kẻ xem, người thưởng ngoạn. Mỗi viên đá cảnh tự nhiên là một tuyệt tác của tự nhiên, không họa sĩ, nhà điêu khắc nào có thể thay thế.

Ở Nha Trang giờ đã có gần trăm người chơi đá cảnh, kinh doanh đá, nhiều quán cà phê sân vườn, khách sạn, công ty du lịch cũng trang trí đá, thành phong trào chơi đá, thành câu lạc bộ đá nghệ thuật... Riêng ông Quý vẫn vậy, vẫn độc hành rong chơi tìm đá.

Thi thoảng bán được viên đá vài triệu đồng là dịp vui để ông Quý đãi bạn, nhưng cũng có khi quá đà thâm vào túi vợ. Phần lớn đá ông dành tặng bạn như món quà sơ ngộ hoặc thân thiết lâu năm, có lần ông còn cho bạn cả xe tải đá.

Đá được tặng, có người đem đi hội thi trưng bày đoạt huy chương vàng, ông cho là lẽ thường tình. Đối với ông Quý: “Cuộc đời này còn có cái để mà cho, mà tặng là mình thích rồi”. Nếu hỏi ông viên đá nào đẹp nhất thì ông bảo chắc còn đâu... trên núi.

Chứa cả càn khôn
Hóa thạch ngậm đá


 Ông Quý tâm sự: “Đất nước mình cả dãy Trường Sơn từ Nam ra Bắc là vỉa địa chấn nơi nào cũng có đá đẹp, so với Trung Hoa hay Nhật Bản, đá nghệ thuật Việt Nam không thua kém”.

Từ lâu nay nhiều người đến với ông Quý không chỉ để chia sẻ về thú chơi đá mà còn về đời, về người, sự đối xử tử tế của con người lúc đang sống với nhau.

Có lần hai nhà báo đến nhà tìm ông Quý, gặp một người râu bạc tóc dài, đội mũ bê rê. Họ lễ phép: “Chúng cháu được bạn giới thiệu đến anh Quý để xem, tìm hiểu về đá ạ!”. Người đàn ông nói: “Mời xem thoải mái. Tôi là bố nó. Nó đi tí về, có chuyện gì cứ bảo với tôi”.

Một lúc sau, vợ ông từ dưới bếp lên, tủm tỉm cười: “Ổng là Quý đó, ổng giỡn đó”. Từ đó thân nhau, nhớ nhau, lâu lâu nhà báo có dịp từ Sài Gòn, Hà Nội về vẫn nhớ ghé thăm “anh” Quý.

Theo GĐVN